Câu chuyện quỷ quái về một gốc cây bồ đề trấn giữ trước cửa tiệm net.
Chúng tôi lặng người đi, thằng Đạt rơm rớm nước mắt. Anh chủ net lại rít một hơi thuốc thật dài:
– Vì rứa nên không ai dám chặt cây bồ đề. Họ quan niệm chết chỗ mô thì hồn đu chỗ đó, chặt là mất chỗ đu của thằng Tin, mà ma con nít đi lang thang là quậy dữ lắm.
– Rứa thì liên quan chi tới mụ Sen?
Anh chủ nhìn sang phía cây mít cũ đã bị chặt để mụ Sen dựng nhà, chặc lưỡi.
Chị Miên đã chôn thằng Tin ngay dưới sàn nhà mình. Chồng hy sinh, con bị bắn chết, chị chỉ còn một mình, khóc vật vã hằng đêm rồi mỗi sớm tinh mơ lại lẫn thẫn ra Đập Đá mò ốc mò tôm sống lay lắt qua ngày. Thấy tình hình không ổn, năm anh đặc công xin rời đi.
Rồi những đêm sáng trăng dế kêu rả rích hay những đêm mưa gió bão bùng táp từng cơn vào mái hiên lá dừa yếu ớt, tiếng khóc của chị Miên đều hòa cùng bóng tối. Chị mất tất cả rồi.
Những lần nhìn thấy đám trẻ con chơi đùa đầu xóm, lòng chị lại quặn thắt. Nếu thằng Tin còn sống, hẳn sẽ cao gần bằng thằng Luýt, tóc sẽ cháy nắng vàng ươm cả đầu vì mải mê chạy ra đầu hẻm câu cút cút như thằng Bi, nhưng vì có chị chăm sóc, chắc sẽ không lem luốc suốt ngày như thằng Tốp. Nước mắt chị lại ứa ra.
Năm đấy bão to. Hai ba cơn bão liên tiếp dồn lại khiến nước đầu nguồn cứ liên tục tràn về. Thế là lũ to. Đập đá lại là khu trũng, chỗ khác chưa bị gì Đập Đá đã lên ngang nửa cẳng chân. Mọi nhà lục đục thu dọn đồ đạc, chuẩn bị tinh thần dời đi nơi khác trốn lũ. Chị Miên ở lại. Chị sợ con nằm cô đơn. Dù cả xóm đã khuyên nhủ đủ điều, chị vẫn nhất quyết không đi. Giữa những mưa bão gào thét và nước bạc cứ dâng lên không ngừng, chẳng ai đủ kiên nhẫn để ở lại khuyên răn chị. Cứ thế họ đi, chị vẫn ở lại. Lặng lẽ.
Khi cơn lũ qua đi, mọi người lại lục đục quay trở về. Chẳng còn gì trong căn xóm nhỏ ngoại trừ những vũng bùn khổng lồ và rác rưởi đọng lại cùng những mái hiên xác xơ tốc tả tơi vì gió. Và trong những bùn nhơ đó, họ tìm thấy xác chị.
Sau khi dọn dẹp những tàn dư của cơn bão, cả xóm mai táng chị ngay trong chính ngôi nhà, sát cạnh con trai chị. Rồi họ trồng một cây mít để những cơn lũ không thể sói mòn đất, để làm “nhà” cho hai mẹ con.
– Hồi mệ anh còn con gái hay đi đưa cơm đêm, có mấy lần thấy ngồi trên cây. Mệ cũng sợ bỏ chạy về, mà sau được mỗi một đường đi ra nên cũng phải gắng sợ mà đi. Mà nghe mệ nói ma cũng hiền, chỉ ngồi nhìn chứ không dọa ai. Đều cứ mưa là hay hiện, chắc để ngó con. – Anh chủ chép miệng.
– Rồi. Chết mẹ mụ Sen luôn. Chắc bị ma quật nên bán ế. – Thằng Huy bĩu môi.
– Chịu, không biết ma quật hay chi, mà bị đốn cây mít nên nhảy qua cây bồ đề ám anh này. Bữa anh đi thầy chết cha luôn, may mà vong hiền, nên lạy trời khách đừng thấy chứ vong cũng không phá anh.
– Rồi giờ tụi em thấy, chết mẹ tụi em luôn này. Sợ vãi đái luôn anh.
– Anh thấy hoài, không can chi mô. Nhìn nhìn rứa thôi chơ cũng không làm chi hết.
– Anh đánh chết mẹ thằng Hin đi, đéo thắp hương làm họ hiện lên hù em sợ rớt tim! – Thằng Đạt nhăn mặt.
– Chơ không phải mi đái lên nhà họ nên họ nhìn à?
Rồi cả bầy cười vang. Chờ lũ rút hết, chúng tôi dọn dẹp, làm một mâm cúng nhỏ để xin “chị”. Thằng Hin bị chửi té tát vì cái tội lười thắp hương, còn thằng Đạt thì lo đứng lạy lục xưng tên tuổi xin lỗi sấp mặt vì tè vào cây. Biết chuyện thì cũng không còn sợ nữa, chỉ vài hôm giật mình khi thấy bóng chị vụt ngang sau lưng. Chẳng biết hợp vong hợp mạng hay thích thú trai tơ hay gì, mà từ đó cứ hay nhìn cả bọn mãi. Chỗ yêu thích của chị là khung cửa sổ đã bị bít kín bằng tường nhà mụ Sen. Dù chưa bao giờ thấy chị hiện lên ở đó, nhưng mơ hồ tôi vẫn cảm nhận được có gì đó ở sau lưng. Có hôm nhắm mắt lại cho đỡ mỏi, tôi lại cảm giác chị đứng ở góc tường, khép nép nhìn. Thuận miệng lại kêu: “thôi chị ơi, cho tụi em tự nhiên chút”, thoáng sau lại chả cảm giác thấy chị nữa.
Nhưng khổ một cái, quen thì quen, mà cứ đoạn đi tè có người nhìn thì không thể nào “ra” được, mà dăm bữa nửa tháng lại cứ hứng lên lượn khắp hang cùng ngõ hẻm của quán thì bố thằng nào chịu được. Con ciu cũng có tự trọng của nó, hai mấy năm dùng để đái thôi cũng đành chứ sao lại để cho ma nhìn được.
Vậy là mấy thằng quyết định… đi tè vào trong chai để yên bình qua những đêm bị ám. Cứ mỗi thằng một vỏ chai nhựa ô long, nào thấy có “mùi” ma là lại cứ đứng vào trong góc mà tự xử. Sáng lại tự đem đi quăng.
Chúng tôi quen dần với những buổi chơi như thế, thỉnh thoảng lại có mấy tên gà mờ lạc từ đâu đến, nửa đêm nửa tỉnh nửa mê cứ thế đâm đầu vào nhà vệ sinh đi. Cả bầy lại nhìn nhau cười tủm tỉm, hên thì không bị gì chứ xui thì chỉ có nước túm đũng quần chạy ra. Đôi lúc cũng nghe thấy vài tiếng la thất thanh rồi vài thằng ôm cái mặt tái mét đi từ nhà vệ sinh ra, thằng nào cứng thì ngồi chơi tiếp hoặc nằm ngủ, coi như chơi mệt quá sinh ảo giác, thằng nào yếu tim thì một mạch chạy ù về nhà.
Cứ thế cho đến vài năm sau, khi đứa cháu trai của mụ Sen đổ bệnh nặng, thăm khám đông y tây y chẳng có kết quả, mụ mới xách cái mông đi thầy cúng. Và chuyện chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi thầy chửi cho mụ một trận xối xả về việc chặt cây mít và giẫm lên nhà của người khác. Chúng tôi chưa từng tin vào việc bói toán cũng như ma quỷ, nhưng khi mụ Sen gào khóc cúng kiếng và ông thầy chỉ đúng vị trí cây mít để “thỉnh” hai bộ hài cốt đi chôn cất chỗ khác và cầu siêu, chúng tôi thấy lạnh toát chạy dọc sống lưng. Sự căm phẫn đã khiến người mẹ luôn ở đó, dõi nhìn theo đứa con đã khuất, và cái chết oan uổng đã khiến đứa bé cứ mãi là một vong linh u uất trong cái đất độc đến rợn người này.
Căn nhà ngày mai sẽ được phá đi, trả lại mảnh đất trống nguyên vẹn như cũ. Hai bộ hài cốt được đưa vào chùa, cầu siêu và chôn cất an bình. Quán net của chúng tôi sẽ được trả về ô cửa sổ sáng bừng như trước, với những đêm cày rank sẽ chẳng còn lo lắng sợ hãi. Chúng tôi cùng anh chủ quán cũng đốt một ít trầm hương và đồ mã trước cây bồ đề để tiễn đưa một người “chị” đã ở cùng suốt bao nhiêu năm nay.
Huế đã trải qua bao nhiêu khốc liệt, nhưng những vết thương của chiến tranh vẫn còn mãi ở đó. Những buổi cúng cô hồn chưa bao giờ cứu vớt hết được sự thống khổ của những u linh và những Miếu Âm Hồn dù đập đi xây lại cũng không thể siêu độ nỗi đau còn vướng mãi ở đó. Chúng tôi rải nốt bát cháo thánh và hạt nổ, thằng Đạt vừa rải vừa lầm bầm:
– Chị đi nghe, đừng về hù em nữa, em sợ lắm rồi!
Bỗng ông thầy chợt quay sang chúng tôi, hướng lên cây bồ đề và nói:
– Con bé nớ, mấy đứa đã cúng rồi răng còn chưa chịu siêu thoát?
Tất cả sững sờ. Chúng tôi đã quên mất rằng đau thương ở đây đâu chỉ riêng bàn tay của Mỹ, vẫn còn Pháp với Mậu Thân 68 đầy máu và nước mắt vẫn chưa ngừng ám ảnh mảnh đất Thần Kinh này.
Chúng tôi đã quên rằng, đất Huế chưa bao giờ hết độc.
(Hết)