Trong hai thập kỷ qua, Pixar được biết tới như một “đại gia” của thế giới phim hoạt hình với nhiều tác phẩm được ví như “kỳ quan” của thể loại này – Finding Nemo, Toy Story, The Incredibles, Ratatouille, Up, Wall-E.
2015 là năm đầu tiên hãng cho ra mắt cả hai phim hoạt hình mới. Sau một Inside Out khơi gợi nhiều cảm xúc về tuổi thơ trong mùa hè, The Good Dinosaur ra mắt trong sự háo hức, chờ đợi của nhiều người, đặc biệt là khán giả nhí, bởi đây là câu chuyện có đề tài về tình bạn giữa con người với khủng long – sinh vật cổ đại được điện ảnh thế giới khai thác qua hàng thập kỷ mà vẫn hút khách.
The Good Dinosaur bắt đầu với câu hỏi: “Chuyện gì sẽ xảy ra nếu như mảnh thiên thạch ngày trước chỉ lướt qua Trái đất và loài khủng long chưa hề tuyệt chủng?”. Hàng triệu năm sau, chú khủng long nhút nhát Arlo – thuộc loài ăn cỏ Apatosaurus – bị lạc bầy và bước vào hành trình của sự trưởng thành. Đồng hành cùng Arlo là cậu bé loài người có tên Spot. Đôi bạn chu du qua nhiều miền đất bí ẩn và khắc nghiệt. Trong chuyến đi, Arlo dần học được cách đối diện với nỗi sợ hãi của bản thân và khám phá ra những khả năng tiềm ẩn.
Nếu như Inside Out có ý tưởng độc đáo, mới lạ thì câu chuyện của một chú khủng long trong The Good Dinosaur lại khá quen thuộc. So với những phim trước đó của Pixar như Up, Wall-E hay Toy Story, nội dung trong tác phẩm mới rất dễ đoán. Nhưng chính cách triển khai và dẫn dắt đã tạo nên sức hút cho The Good Dinosaur, minh chứng rằng với cả những câu chuyện tưởng như đơn giản, chân phương nhất, Pixar cũng có thể làm tốt và tạo nên cảm xúc mãnh liệt trên màn ảnh rộng.
Được đầu tư kinh phí lên tới khoảng 200 triệu USD, The Good Dinosaur có phần hình ảnh lung linh, sắc nét từ chuyển động của làn nước, những giọt mưa cho tới tạo hình của hai nhân vật chính. Khủng long Arlo là loài cổ dài ăn cỏ, được xây dựng với tính cách nhút nhát trong khi cậu bé loài người Spot lại có vẻ hoang dại, lém lỉnh. Hai khoảnh khắc trong phim khi bầy đom đóm xuất hiện giữa bầu trời đêm để lại nhiều cảm xúc cho người xem. Lần đầu là khi Arlo được cha – Henry – cho thấy “vẻ đẹp ngoài kia” là thế nào, lần thứ hai là chính Arlo dẫn dắt người bạn nhỏ vào khung cảnh rực rỡ ấy.
Tương tác giữa hai nhân vật Arlo và Spot cũng là một điểm thu hút người xem phải theo dõi. Ban đầu, chú khủng long coi cậu bé loài người không biết nói như kẻ thù và tìm mọi cách để gây gổ. Nhưng trong chuyến hành trình, cả hai dần tìm thấy sự đồng cảm và gắn bó với nhau. Spot là nhân vật không có thoại nhưng qua những cử chỉ, hành động mà cậu dành cho người bạn khủng long, khán giả thấy được sự thay đổi trong tâm lý của cả hai. Một tình bạn đẹp đẽ cứ thế lớn dần lên ở hai tâm hồn dù chẳng thể giao tiếp qua lời nói.
“Đôi khi ta phải vượt qua nỗi sợ hãi để thấy được những điều tuyệt đẹp ở phía bên kia” – thông điệp chân phương được thể hiện rất tinh tế qua câu chuyện của khủng long Arlo và Spot. Sinh ra vốn nhỏ bé, yếu ớt và nhút nhát, Arlo thu mình lại và tự tạo một vỏ bọc vô hình với thế giới bên ngoài. Cậu sợ hãi cả những con gà có kích cỡ nhỏ hơn mình. Nhưng trải qua cú vấp ngã đầu đời và tự đứng dậy để bước tiếp, Arlo dần trưởng thành. Cậu bé nào rồi cũng phải trải qua thất bại để trở thành một người đàn ông. Nhân vật Butch trong phim đã nói: “Nếu bạn không sợ hãi, bạn không thể tồn tại được”. Phần lời thoại tinh tế của The Good Dinosaur có thể khiến người xem nhớ rất lâu sau khi ra khỏi rạp chiếu.
So với các hãng khác như DreamWorks hay Universal, Pixar dù có những tác phẩm hoạt hình tạo dấu ấn mạnh mẽ, vẫn bị một số người xem coi là “hàn lâm”, “nặng đô”, phù hợp với người lớn hơn trẻ em. Inside Out ra mùa hè qua là một ví dụ điển hình. Câu chuyện về các cảm xúc tồn tại trong tâm trí một cô bé là một ý tưởng khá đồ sộ nhưng nhiều lớp nghĩa. Khán giả nhỏ tuổi chưa từng trải qua chặng đường như nhân vật khó mà hiểu hết được thông điệp.
Lần này, The Good Dinosaur mở rộng đối tượng và là một bộ phim mà mọi đứa trẻ có thể đồng cảm. Đối với các fan “ruột”, vốn đã quen với dòng phim hơi nghiêng về người lớn của Pixar trước đó, The Good Dinosaur có thể là bộ phim ít sáng tạo nhất. Nhưng trên phương diện “phủ sóng” cảm xúc của đối tượng khán giả nhí, đây là một phim hoạt hình thành công. Nhiều em nhỏ và cả người lớn sẽ khó kìm được nước mắt ở cảnh kết của bộ phim.