Là một bộ phim Việt “truyền tải được đúng linh hồn của vùng đất nó sinh ra”, Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh chứa đựng trong nó chính sự thuần khiết, thanh bình và trong trẻo của “đặc sản” làng quê Việt Nam vốn có thể thân quen với người này nhưng lại vô cùng lạ lẫm với người kia.
Bằng ngôn ngữ điện ảnh đầy cảm xúc và sâu lắng, đạo diễn Victor Vũ đã chuyển được cái hồn trong tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh sang những trái tim đầy nhạy cảm của khán giả vốn như những đốm hoa vàng đang chờ cỏ xanh và nở rực rỡ.
Có những giấc mơ đơn giản như tuổi thơ của mỗi người vừa dữ dội mà cũng thật dịu êm, câu chuyện trong Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh cũng đơn giản chỉ là câu chuyện về một tuổi thơ đầy hoài niệm và “giông bão” trong ký ức của mỗi người, mà ở đây là ba đứa trẻ Thiều (Thịnh Vinh) – Mận (Thanh Mỹ) – Tường (Trọng Khang). Tuy nhiên, tuổi thơ thì ai cũng có, nhưng không phải ai cũng trưởng thành từ chính những lỗi lầm trẻ thơ. Phim là hành trình đưa mỗi người trở về với nguyên bản tự nhiên của chính mình, đó là ước mơ về với thiên đường tuổi thơ mà vì một lý do nào đó, đã bị đánh mất.
Gây ấn tượng thuyết phục từ những hình ảnh ngoại cảnh cho đến diễn xuất của những diễn viên nhí (chưa kể con cóc trong “vai diễn” Cu Cậu cũng thật sự… xuất thần). Đó chính là cái vẻ ngây thơ cần có của lứa tuổi mà chúng đang mang, dù đó là sự ngây thơ trong diễn tả niềm vui hay nỗi buồn và cả sự đau đớn. Xem phim, bạn sẽ được tận mắt nhìn thấy và tận trái tim cảm nhận được vẻ đẹp của mối tương tư giữa Thiều và Mận; niềm lạc quan về ước mơ một nàng công chúa sẽ xuất hiện của Tường; đồng thời chết lặng trước nỗi đau “bí mật” của con Mận hay bất an trước niềm hy vọng có nguy cơ bị dập tắt bởi cơn điên của con Nhi,… mà rất có thể khi đọc sách bạn sẽ không hình dung nổi. Đến mức mà ngoài cười vui thấm thía qua những thước phim, người xem sẽ còn cảm thấy cả rùng mình thổn thức vì những hình ảnh quá thật, quá sống động của một vẻ đẹp đến nao lòng mà điện ảnh có thể mang lại.
Từ trước đến nay, những bộ phim mang đậm tâm hồn Việt có thể kể đến như Ba Mùa của Tony Bùi hay Mùi Đu Đủ Xanh của Trần Anh Hùng được làm ra như một cách để lấp đầy khoảng trống quê hương trong chính những vị đạo diễn, thì Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh của Victor Vũ cũng được hình thành với chính một tâm thế như vậy. Phim tràn ngập những “chứng tích” một thời của tuổi thơ dữ dội mà những đứa trẻ không biết may mắn hay bất hạnh khi được trải qua: màn đá cỏ gà; những con diều được dán bằng vài hạt cơm nguội, con hình nhân quay, trò chơi nhảy dây, những câu chuyện ma, vui chơi đốt đèn trung thu, nhà cháy, gánh xiếc, và thậm chí là trận lũ miền Trung năm 1989 mà hậu quả sau đó là cái đói chất chồng cái nghèo…
Dường như tính cách của mỗi đứa trẻ cũng từ đó được hình thành, cùng với ước mơ vẫn luôn ấp ủ trong tâm hồn chúng. Liệu rằng chúng ta có bật khóc khi nhìn sâu vào từng ánh mắt dữ dội của Thiều, ánh mắt ngại ngần chất chứa nỗi buồn khó tả của Mận và cả ánh mắt của một khí chất sáng trong của Tường?
Có thể nói, Victor Vũ đã “bắt” được trúng mạch cảm xúc trong chính tác phẩm truyện và phát triển nó bằng chính sự chỉn chu, duy mỹ và đầy kỹ thuật của mình. Đoạn kết của phim có thể khiến đa phần khán giả yêu truyện hụt hẫng, nhưng có hề gì, khi mà chúng ta hoàn toàn có thể tự diễn giải cho những câu hỏi còn lửng lơ. Hình ảnh hoa vàng cỏ xanh đã phát huy triệt để tác dụng của nó, khi vừa lột tả được nỗi đau mất mát, bi kịch của gia đình con Nhi, cũng như vừa mang lại niềm hy vọng cho ước mơ của thằng Tường trở thành sự thật đồng thời giúp thằng Thiều nhận ra được niềm hạnh phúc từ sự trưởng thành của chính mình, chính những lầm lỗi của mình.
Phim vừa đủ, giàu cảm xúc và đẹp đến từng khung hình, câu thoại, rất xứng đáng để bạn và tất cả chúng ta cùng nhau ra rạp. Tất nhiên, mỗi người sẽ có một cảm nhận của riêng mình, nhưng với linh hồn của cả bộ phim là phần âm nhạc mà cụ thể là bài hát “Thằng Cuội”, chắc chắn mỗi người sẽ đều tìm thấy ước mơ từ một phần tuổi thơ của mình.
“Bóng trăng trắng ngà. Có cây đa to. Có thằng Cuội già, ôm một mối mơ
Lặng yên ta nói Cuội nghe: “Ở cung trăng mãi làm chi…”