Không có luật nào cấm chúng ta phá máy tính. Tự phá hoại tài sản cá nhân là quyền của mỗi người. Nếu một ngày nào đó bạn muốn cho cái máy ngớ ngẩn đi đời thì đây chính là kim chỉ nam cho bạn.
Lưu ý: Bài chỉ có tính chất tham khảo, vui lòng đọc hết trước khi thực hiện.
Chập nổ
Bật máy, hoặc ít ra là cắm nguyên phích điện trong lúc trời đang có mưa bão sấm chớp. Nếu bạn may mắn thì mùi khét lẹt sẽ phát ra từ thùng máy tính theo sau những ánh chớp, tiếng sấm trên trời.
Nếu ai đó vô tình rút phích điện máy tính ra thì coi như kế hoạch của bạn sẽ thất bại.
Bụi bẩn
Đặt thùng máy – Case xuống sàn. Chuyện bí ẩn này dựa trên một môn học phức tạp thời phổ thông có tên gọi là Vật lý. Theo đó, bụi nặng hơn không khí nên sẽ bay là là mặt sàn và có nhiều cơ hội chui vào máy tính.
Nóng
Cuộc sống vốn chật chội khiến chúng ta phải tiết kiệm từng centimet vuông. Nếu đống sách, báo, tạp chí, tài liệu quá nhiều thì hãy dùng nóc màn hình và case để làm giá sách. Hãy luồng chặt, che kín bất cứ lỗ hổng nào bạn nhìn thấy xung quanh bộ máy tính. Đó là những lỗ thoát hơi nóng ấy mà. Đảm bảo máy của bạn sẽ chết nóng vì không có chỗ thoát nhiệt.
Nếu may mắn, bạn còn có cơ hội gọi điện cho đội cứu hỏa 114. Đó là khi đống giấy bắt nhiệt từ trong máy tính và phát lửa.
Chất lỏng
Bình thường thì nước lọc không thể làm hỏng máy được, nhưng nếu cứ kệ cho nước đổ tùm lum vào case thì khả năng thành công của bạn sẽ rất cao. Các loại nước ngọt, trà, cà phê càng được khuyến khích dùng.
Đừng đổ vào bàn phím làm gì. Bàn phím rẻ hơn cả dàn máy nhiều.
Tĩnh điện
Bạn có biết khái niệm tĩnh điện không? Hãy để tất cả những thứ có khả năng tích điện như nylon, len, dạ, tóc… gần máy tính. Những thứ tưởng chừng vô hại đó lại sẽ giúp bạn rất nhiều trông công việc phá hoại này.
Máy hút bụi
Máy hút bụi cũng hay lắm. Sáng kiến lôi cái thứ hiện đại ấy ra để hút bụi thùng máy cũng rất hiệu quả trong việc hút luôn cả những thứ bé li ti của máy tính, chẳng hạn ốc hoặc vài cái tụ điện bị lỏng chẳng hạn.
Thiếu bất kể cái gì trong số những vật nhỏ ấy, máy tính của bạn càng dễ hỏng.
Va đập
Làm rơi đi, cái gì làm rơi cũng hỏng trừ quả bóng. Nếu là máy tính xách tay thì càng làm rơi sẽ càng nhanh hỏng.
Cứ quăng quật lung tung vào. Nếu rơi thấp không hỏng thì lôi lên cao mà thả xuống. Cứ để các thứ trong máy bung ra, đảm bảo máy sẽ chết.
Đồ ăn
Làm rơi, lại làm rơi tiếp. Nhưng không phải làm rơi máy mà là những thứ bạn đang ăn vào bên trong bàn phím, thùng máy ấy. Có người bảo cứ lật úp cái bàn phím xuống mà vỗ vỗ thì biết ngay chủ nhân ăn gì trong vòng hai năm trở lại đây.
Lần này bạn cứ làm quá luôn đi. Ta mở tê hê case ra mà thả thức ăn vào. Các con mạch sẽ đụng chạm nhau, bằng những cách bí ẩn nào đó.
Dọc phá
Hãy tự sửa máy. Theo những gì mình được biết thì nếu người dùng càng tìm cách tự sửa máy thì nguy cơ máy tính “đi đời” càng cao.
Thậm chí tỷ lệ hỏng hẳn còn cao hơn cả máy bị sét đánh. Cứ bình tĩnh, tự tin, quyết thắng mà làm. Đảm bảo không ai cứu nổi cái máy tính ngốc nghếch của bạn nữa.
Tuy nhiên…
Còn nhiều cách nữa, chẳng hạn dùng tuốc-nơ-vít hay vật nhọn vặn tất cả các con vít bạn nhìn thấy, hay cứ vô tư cầm cái que chọc chọc vào cánh quạt… tất cả đều giúp chúng ta thực hiện cái quyền bất khả xâm phạm là Phá Máy Tính.
Thế nhưng có một điều đáng lẽ mình phải nói từ đầu, nếu thật sự thương xót cái máy tính của bạn, hãy làm ngược lại những gì mình nói.