Sau 5 mùa giải chính thức đi vào thi đấu chuyên nghiệp với vô số giải đấu khu vực cho đến quốc tế, chúng ta đã được chứng kiến biết bao đội hình trong mơ.
Trước tiên, các đội trong bảng xếp hạng này được sắp xếp hoàn toàn dựa trên quan điểm cá nhân tác giả Duncan “Thorin” Shields. Với những ai chưa biết thì Thorin là một nhà báo thể thao điện tử nổi tiếng và rất có uy tín. Ông đã từng làm việc cho rất nhiều tổ chức thể thao điện tử lớn trên toàn thế giới và là một trong những người sáng tạo ra series Summoning Insight (giờ đổi tên thành Insight On Esports) của OnGamers. Thorin cũng được người đọc bình chọn là “Phóng viên thể thao điện tử của năm” vào 2012 và 2013.
Hiện tại, Thorin nổi tiếng với series Thorin’s Thoughts chia sẻ những quan điểm cá nhân của ông về những sự kiện LMHT nóng hổi.
Quay trở lại với bảng xếp hạng này, các đội được cân đo, đong đếm dựa trên lối chơi, phong cách thi đấu và điểm nổi bật chứ không hoàn toàn phụ thuộc vào thành tích thi đấu.
Dưới đây là 5 vị trí đầu tiên từ 20 đến 16.
20. Team SoloMid (TSM) – Giai đoạn : 3/2012 – 3/2013
Đội hình:
- Đường trên: Dyrus
- Đi rừng: TheOddOne
- Đường giữa: Reginald
- Xạ thủ: Chaox
- Hỗ trợ: Xpecial
Thành tích:
- 2012 IPL 4 (vô địch)
- 2012 Reign of Gaming International Invitational (vô địch)
- 2012 MLG Spring Championship (vô địch)
- 2012 GIGABYTE Esports LAN (vô địch)
- 2012 MLG Summer Arena (á quân)
- 2012 IPL Face Off: San Francisco (vô địch)
- 2012 Season 2 NA Regional (vô địch)
- 2012 Season 2 World Championship (hạng 5-8)
- 2012 MLG Fall Championship (hạng 5-6)
- 2012 IPL5 (hạng 9-12)
Thời thế thay đổi, LCS đã khác xưa rất nhiều với việc vô số các game thủ từ khu vực khác gia nhập, đặc biệt là Hàn Quốc. Và khi nhìn lại thì đội hình này của TSM là đội hình “toàn Bắc Mĩ” mạnh nhất trong lịch sử. Ở thời kì đỉnh cao của mình, họ thống trị hoàn toàn những giải đấu khu vực với việc vô địch 6/7 giải offline đầu tiên tham dự. Dù đối thủ có là ai thì kết quả vẫn chỉ là một. Thậm chí vượt qua biên giới Bắc Mĩ, tầm ảnh hưởng của TSM vươn tới cả châu Âu.
Điểm trừ lớn nhất là việc TSM với đội hình này không thể vượt qua những gã khổng lồ châu Á, trong đó nổi bật nhất phải kể đến “chiến tích” 0:11 trước các đội đến từ Hàn Quốc. Và nạn nhân nổi tiếng nhất không ai khác chính là người đi đường giữa “tai tiếng” Reginald. Anh thường xuyên thi đấu rất hung hãn, luôn muốn ăn tươi nuốt sống đối phương, nhưng đáng tiếc chính anh mới là người phải ngậm trái đắng.
Với việc chỉ thống trị khu vực mình mà không có thành tích gì trên đấu trường thế giới nên dù rất xuất sắc, nhưng đội hình này của TSM chỉ có thể đứng ở vị trí 20.
19. Fnatic (FNC) – Giai đoạn: 11/2012 – 12/2012
Đội hình:
- Đường trên: sOAZ
- Đi rừng: Cyanide
- Đường giữa: xPeke
- Xạ thủ: Rekkles
- Hỗ trợ: nRated
Thành tích
- 2012 Dreamhack Winter (vô địch)
- 2012 IPL5 (á quân)
- 2012 THOR Open (vô địch)
- 2012 IEM VII Cologne (á quân)
Mặc dù chỉ thi đấu vỏn vẹn 2 tháng nhưng đội hình này đã làm nên một thương hiệu Fnatic trên toàn thế giới, và là một trong những đội hình ấn tượng nhất trong lịch sử LMHT phương Tây. Đánh bại CLG.EU ngay trong lần đầu tiên xuất hiện cùng nhau, 5 chàng trai này tiếp tục gây chấn động khi hạ gục TPA và là một trong số ít những đội có khả năng cạnh tranh sòng phẳng với World Elite. Tại IEM Cologne VII, Fnatic cũng khiến SK Telecom của Reapered phải đổ mồ hôi hột mới có thể vô địch.
Rất tiếc, khi các thành viên bắt đầu ăn khớp và hòa làm một thì LCS đưa ra điều lệ giới hạn tuổi khiến Rekkles không thể thi đấu. Thời điểm đó, bộ đôi sOAZ và xPeke đã khiến cả thế giới phải dè chừng. ở đường dưới, nRated với cái đầu đầy toan tính là sự bổ sung hoàn hảo cho thần đồng Rekkles. Nếu như đội hình này không bị ngắt quãng thì chắc chắn Fnatic sẽ còn làm được nhiều hơn thế, và biết đâu, họ đã có thể chặn đứng được sự thống trị của châu Á.
18. CJ Entus Blaze II (CJB) – Giai đoạn: 10/2013 – 6/2014
Đội hình:
- Đường trên: Flame
- Đi rừng: Daydream
- Đường giữa: Ambition
- Xạ thủ: Emperor
- Hỗ trợ: Lustboy
Thành tích:
- 2013 WCG KR Qualifier (vô địch)
- 2013 World Cyber Games (vô địch)
- 2013 OGN Champions Winter (hạng 5-8)
- 2013 NLB Winter (vô địch)
- 2014 OGN Champions Spring (hạng 4)
“Blaze cải tiến” đã xóa nhòa đi điểm yếu lớn nhất trước đó bằng việc thay thế người đi rừng “hết thời” Helios bằng Daydream. Bên cạnh đó, một Cpt Jack quá nặng 30 phút đầu cũng được thay bằng Emperor cứng cáp và ổn định hơn rất nhiều. Flame mặc dù không hoàn toàn thích ứng với thời đại của phép Dịch Chuyển, tuy nhiên anh vẫn làm rất tốt nhiệm vụ đỡ đòn và chống chịu.
Vô địch vòng loại WCG có thể là một thành tích “bình thường” nhưng nếu xét kĩ, giải đấu này tập hợp đầy đủ các đội tuyển mạnh nhất thời điểm đó. Vòng Chung Kết WCG không có quá nhiều ông lớn tham dự, tuy nhiên vẫn còn đó một OMG với bộ đôi “thần thánh” NaMei – Sicca, đại diện số một Trung Quốc. Nhưng chẳng hề gì, CJB vẫn đánh bại tất cả.
Tại OGN 2013 Mùa Đông, CJB đen đủi khi phải chạm trán KTB, đội tuyển được đánh giá đứng thứ 2 thế giới, ngay từ vòng tứ kết. Mặc dù thất bại nhưng CJB vẫn được đa phần cộng đồng công nhận xếp thứ 3 Hàn Quốc. Điều đó càng được khẳng định với chức vô địch NLB Mùa Đông sau đó.
Như đã nói, bảng xếp hạng này không đơn thuẩn chỉ dựa vào thành tích của mỗi đội. Với những gì Blaze đã thể hiện, với những màn trình diễn ở đẳng cấp rất cao, họ xứng đáng được nhận nhiều hơn thế. Nếu so sánh với những đội khác, các thành viên của CJB ít tên tuổi hơn nhiều và điều đó càng làm nổi bật hơn sức mạnh của họ.
17. KT Rolster B (KTB) – Giai đoạn: 5/2013 – 2/2014
Đội hình:
- Đường trên: inSec
- Đi rừng: KaKAO
- Đường giữa: Ryu
- Xạ thủ: Score
- Hỗ trợ: Mafa
Thành tích:
- 2013 OGN Champions Summer (á quân)
- 2013 Season 3 KR Regional (á quân)
- 2013 OGN Champions Winter (hạng 3)
Tiếp tục một đội hình nữa không có bất cứ thành tích nổi bật nào nhưng vẫn đem lại vô số cảm xúc cho khán giả. KTB là một trong số ít những đội tuyển có khả năng sáng tạo vô biên cũng như sự phối hợp hoàn hảo giữa các thành viên. Trong những hoàn cảnh ngặt nghèo nhất, họ vẫn tìm được ánh sáng cuối đường hầm. Ở tất cả các vị trí, họ đều sở hữu những tài năng kiệt xuất của LMHT Hàn Quốc, nhưng tất cả đều thiếu một chút gì đó, một chút gì đó để thực sự thăng hoa. Và tất nhiên, đen đủi nhất phải kể đến Ryu với pha solo Zed trước kẻ-mà-ai-cũng-biết-là-ai-đó.
Vận đen luôn đeo bám KTB. OGN 2013 Mùa Đông, khi đang thăng hoa, họ không thể chống lại Najin Sword tại Bán Kết (NJS sau đó vô địch). Tiếp đến giai đoạn Mùa Hè, họ cũng đành phải ngậm ngùi đứng thứ 2 khi chạm trán SKT T1 K của “thánh” Faker.
Lịch sử đã không đứng về phía KTB, nhưng chúng ta, những người hâm mộ LMHT chân chính nên có những đánh giá công bằng hơn với đội hình này.
16. MVP Ozone (MVP O) – Giai đoạn: 2/2013 – 9/2013
Đội hình:
- Đường trên: Homme
- Đi rừng: DanDy
- Đường giữa: dade
- Xạ thủ: Imp
- Hỗ trợ: Mata
Thành tích:
- 2013 OGN Champions Spring (vô địch)
- 2013 AMD-INVEN GamExperience (vô địch)
- 2013 OGN Champions Summer (hạng 3)
Nhìn vào đội hình với đầy rẫy những “siêu cao thủ” như trên rất dễ khiến chúng ta nhầm tưởng họ là quái vật vô đối. Cụ thể hơn, xét trên toàn bộ sự nghiệp từ trước đến nay, 4/5 chàng trai này xứng đáng nằm trong top 20 game thủ LMHT xuất sắc nhất mọi thời đại. Mặc dù vậy, ở thời điểm đó, họ vẫn chưa ở trên đỉnh cao của mình.
Chúng ta hãy cùng nhìn lại chức vô địch OGN 2013 Mùa Xuân của họ. Ở giai đoạn vòng bảng, MVP O thi đấu hoàn toàn mờ nhạt và thậm chí thiếu chút nữa đã không giành được tấm vé đi tiếp. Đối thủ tiếp theo của họ ở vòng Tứ Kết, KTB lại bất ngờ thì đấu quá nghiệp dư. Thậm chí ở thời điểm đó, nhiều người đồn đoán rằng KTB đang gặp khủng hoảng, lục đục nội bộ. Tại Bán Kết, SKT T1 2 mặc dù sở hữu thần đồng Faker nhưng xét rộng ra, họ vẫn chỉ là một đội mới nổi và chưa có sự gắn kết.
Phải đến trận Chung Kết, sức mạnh của MVP O mới được bộc lộ thực sự. Khởi đầu, họ được cho rằng đã tìm ra được chiến thuật khắc chế lối chơi kéo dài về cuối trận của Blaze. Tuy nhiên về sau với những cuộc phỏng vấn và nghiên cứu thì rõ ràng, đó đơn thuần chỉ là những pha xử lý ngẫu hững nhất thời thuộc dạng “tùy cơ ứng biến”. Nhưng dù có thế nào đi chăng nữa thì chức vô địch của MVP O vẫn hoàn toàn xứng đáng.
Mùa Hè sau đó, những điểm yếu của MVP O càng ngày càng bộc lộ rõ. Họ chỉ giành được vị trí thứ 3 chung cuộc. Chức vô địch ngày nào của họ là minh chứng hoàn hảo cho việc “ngựa ô hoàn toàn có thể lên đỉnh”, tuy nhiên, xét trên cả chiều dài lịch sử, MVP Ozone vẫn chưa đủ tầm để đi vào hàng ngũ huyền thoại.
(Còn tiếp)