Hiệu năng tốt, ngoại hình bắt mắt, chúng tôi xin gửi đến độc giả danh sách những chiếc bàn phím chơi game tốt nhất ở thời điểm hiện tại.
Nếu như bạn là một tín đồ của dòng game MOBA hay chiến thuật (RTS), bàn phím chắc chắn là thứ bạn quan tâm nhiều nhất trong dàn Gaming Gear của mình. Tuy nhiên, thay vì mua bàn phím thông thường, game thủ chuyên nghiệp thường chú ý đến bàn phím cơ (mechanical keyboard). Vậy, bàn phím cơ khác với bàn phím thông thường ở điểm nào?
Đôi nét về bàn phím cơ
Nếu như những loại bàn phím bình thường sử dụng một lớp cao su (còn gọi là rubber dome) đặt dưới mỗi phím, khi người dùng nhấn một phím bất kì thì lớp cao su này sẽ lún xuống, tiếp xúc với bảng mạch giúp bàn phím nhận tín hiệu. Điều này khiến cho người dùng cảm thấy khá bất tiện khi phải gõ nhanh do phải chờ lớp cao su chạm xuống bảng mạch thì thông tin mới hiện ra. Ngoài ra, việc ma sát nhiều với bảng mạch còn khiến lớp cao su này mau chóng mòn đi, dễ đến hư hỏng bàn phím. Còn đối với bàn phím cơ, mỗi nút bấm là một công tắc cơ học riêng biệt, giúp nâng cao cảm giác gõ cũng như độ bền của bàn phím. Dưới đây, chúng tôi xin gửi đến bạn đọc 5 bàn phím cơ được đánh giá tốt nhất thời điểm hiện tại. |
Sau đây là Top 5 bàn phím cơ tốt nhất dành cho game thủ, do chúng tôi bình chọn:
1. Filco Majestouch 2
(Ảnh: Filco)
Mặc dù không sở hữu dàn đèn Led làm mê hoặc lòng người cũng như những phím phụ giúp lập trình những thao tác phức tạp, tuy nhiên những gì Filco Majestouch 2 đem lại cho người sử dụng xứng đáng đưa chiếc bàn phím đến từ xứ sở Hoa Anh Đào này đứng đầu bảng xếp hạng.
Mang trong mình dàn switch cơ tốt nhất của Cherry, kèm theo đó là chức năng NKRO cho phép nhận đầy đủ toàn bộ phím khi được bấm cùng một lúc. Ngoài ra, nếu bạn mua Filco Majestouch 2 tại Việt Nam, bạn còn được hưởng chế độ bảo hành 5 năm – điều mà hiếm có sản phẩm nào trên thị trường có được.
Giá tham khảo tại Việt Nam: 3.200.000 đồng
2. Ducky Shine 3
(Ảnh: Mechanical keyboard)
Nếu như Filco Majestouch 2 thu hút người dùng bởi sự tối giản trong thiết kế của mình thì trái lại, Ducky Shine 3 lại khiến những người sở hữu nó tự hào bởi những gì dàn đèn Led của chiếc bàn phím này mang lại.
Với bảy màu đèn Led có thể thay đổi theo ý muốn, Ducky Shine 3 chắc chắn sẽ khiến người khác phải trầm trồ thán phục trước từng phát bấm phím. Cùng với đó, hãng sản xuất bàn phím tới từ Đài Loan này cũng đưa tới khá nhiều lựa chọn về switch phù hợp cho từng nhu cầu sử dụng.
[youtube]gFWR8r5sdWY[/youtube]
Cùng chiêm ngưỡng dàn đèn Led cực kỳ thú vị của Ducky Shine 3.
Giá tham khảo tại Việt Nam: 3.300.000 đồng
3. Steelseries 7G
(Ảnh: Steelseries)
Thêm một đại diện nữa theo phong cách đơn giản lọt vào danh sách, Steelseries 7G là một trong những chiếc bàn phím được sử dụng nhiều nhất trong giới game thủ chuyên nghiệp.
Steelseries 7G sở hữu đầy đủ các cổng mở rộng ngay trên bàn phím như USB, Headphone, Mic, giúp cho game thủ trở nên thuận tiện hơn rất nhiều mỗi khi phải ra ngoài thi đấu. Ngoài ra, Steelseries cũng tặng cho người dùng một miếng kê tay khá chất lượng đi kèm theo mỗi sản phẩm 7G được bán ra.
Điểm yếu của Steelseries 7G là việc chiếc bàn phím này sử dụng nút bấm khá “dị”, điều khiến những người chơi bàn phím cơ cảm thấy khó chịu khi họ không thể thay phím theo sở thích của mình.
Giá tham khảo tại Việt Nam: 3.550.000 đồng
4. Razer BlackWidow 2014
(Ảnh: Anandtech)
Được biết đến như một trong những hàng sản xuất Gaming Gear hàng đầu thế giới, chẳng có lý do gì khiến Razer không có một chân trong bản xếp hạng này.
Tương thích tốt với cả Mac lẫn Windows, khả năng nhận 10 phím bấm cùng một lúc, nhưng điểm khiến Razer BlackWidow trở nên khác biệt với các đại diện khác là ở dàn switch đặc biệt của “Góa phụ đen” này.
Nếu như các bàn phím cơ thông thường sử dụng switch của Cherry thì BlackWidow 2014 lại sử dụng switch do chính Razer sản xuất, đem lại sự đồng bộ tốt nhất cho toàn bộ sản phẩm. Tuy nhiên, đã có khá nhiều phản hồi cho biết, độ bền của dàn switch này không được tốt như mong đợi và Razer sẽ còn phải cải thiện nhiều ở các phiên bản BlackWidow sắp tới.
Giá tham khảo tại Việt Nam: 2.000.000 – 2.950.000 đồng tùy phiên bản
5. Cooler Master Quickfire Ultimate
Đây chính là ông vua không ngai ở phân khúc bàn phím cơ giá rẻ. Sở hữu đầy đủ mọi tính năng của các bàn phím cơ đắt tiền như dàn đèn Led có thể chỉnh độ sáng, các phím Media được thiết lập sẵn cũng như toàn bộ dàn switch đều đến từ Cherry, tuy nhiên, với mức giá chỉ vào khoảng 2.000.000 đồng.
Cooler Master Quickfire Ultimate thật sự đáng để người tiêu dùng lưu tâm đến nó. Mặc dù vậy, nếu xét về cảm giác “phê” khi sử dụng, Cooler Master Quickfire Ultimate lại không thể so sánh được với Filco hay Ducky, những tên tuổi lớn trong làng sản xuất bàn phím cơ.
Giá tham khảo tại Việt Nam: 2.000.000 – 2.100.000 đồng tùy phiên bản