Không chỉ có khả năng điều tra, phá án phi thường, những truyện tranh trinh thám dưới đây còn đặc biệt gây ám ảnh vì các vụ giết người man rợ đến mức độ kinh dị, rùng rợn.
1. Thám tử lừng danh Conan (Detective Conan)
Thám tử lừng danh Conan chính là bộ truyện tranh trinh thám kinh điển nhất. Hiện nay vẫn chưa có tác phẩm nào sánh được tầm cỡ của bộ truyện này.
Truyện được Aoyama Yoshimasa sáng tác từ năm 1994 đến nay. Nhân vật chính của truyện là một thám tử học sinh trung học 17 tuổi tên là Kudo Shinichi, bị một tổ chức tội phạm hãm hại, biến thành một cậu bé học sinh tiểu học và luôn cố gắng truy tìm tung tích tổ chức Áo Đen để khám phá hàng loạt vụ án kinh hoàng khác và lấy lại hình dáng cũ.
Thám tử lừng danh Conan được viết theo thể văn trinh thám cổ điển, cách bố trí vụ án cũng cổ điển với các vụ sát nhân trong nhà, những vụ án có vô số kẻ tình nghi. Bao trùm lên các vụ án cũng là cách lập luận phá án hết sức điển hình của văn trinh thám cổ điển.
Tuy vậy, bản chất là một thể loại trinh thám, Thám tử lừng danh Conan, nhất là những tập đầu, vẫn có nhiều chi tiết hình ảnh rùng rợn như cắt đầu, chặt nạn nhân ra thành nhiều khúc hay nạn nhân chết không nhắm mắt, máu vung vãi khắp nơi… khiến những độc giả nhỏ tuổi dễ bị ám ảnh. Nhưng dù sao so với nhiều truyện trinh thám, các yếu tố rùng rợn trong Thám tử lừng danh Conan vẫn được xem là “nhẹ đô” và “dễ chịu” nhất.
2. Thám tử kindaichi
Thám Tử Kindaichi (hay Detective Kindaichi) là một trong những bộ truyện manga trinh thám ly kỳ và hấp dẫn nhất của hai tác giả Kanari Yozaburo hoặc Amagi Seimaru (tùy theo tập). Nội dung truyện xoay quanh những cuộc phiêu lưu của một cậu học sinh trung học tên là Kindaichi (Kindaichi Hajime), chuyên đi giải quyết vụ án và truy lùng tội phạm. Năm 1995, tác phẩm đã đoạt giải thưởng manga Kodansha cho thể loại shounen.
Thám tử kindaichi có cốt truyện vô cùng chặt chẽ, kỹ năng phá án tài tình. Không có khả năng ngoại cảm như Eiji, không có mấy công cụ hỗ trợ nhiều như Conan, Kindaichi thuần túy chỉ sử dụng óc suy luận để phá giải những vụ án hóc búa tưởng chừng không thể tìm ra manh mối.
Ngoài những vụ án cực kỳ phức tạp, gay cấn, Thám tử kindaichi còn kích thích độc giả bởi yếu tố kinh dị rùng rợn khá “nặng đô”. Không khí u ám của nơi xảy ra vụ án (chủ yếu ở nông thôn, vùng hẻo lánh hay trong các ngôi nhà tối tăm, lạnh lẽo), nhiều chi tiết đẫm máu như cắt chân tay, rạch nát mặt… khiến nhiều người đọc xong “không dám ra đường”.
3. Thám tử Eiji (Saikometora Eiji)
Thám tử Eiji xoay quanh nhân vật chính Eiji Asuma, một học sinh trung học có khả năng ngoại cảm. Khi tiếp xúc với một người, cậu có thể cảm nhận đựợc những mảnh vụn kí ức từ họ.
Trong vụ trọng án về một kẻ giết người hàng lọat có tên Moebius, Eji đã quen với nữ cảnh sát hình sự quyến rũ Ryoko Shima. Shima nhanh chóng nhận ra khả năng của Eji, nhờ vào những luận văn cô đã từng nghiên cứu về khả năng ngoại cảm. Cậu đồng ý trở thành người cộng sự của cô cảnh sát xinh đẹp và họ cùng nhau phá nhiều vụ án vô cùng phức tạp, nguy hiểm.
Thám tử kindaichi được xem là bộ truyện thám tử theo phong cách mới, đi sâu vào phân tích tâm lý con người. Mục đích phạm tội của đối tượng hầu như không rõ ràng, chủ yếu xuất phát từ diễn biến tâm lý phức tạp của họ.
Ngoài ra, bộ truyện cũng có nhiều hình ảnh giết người man rợ. Tính chất vụ án và hình ảnh rùng rợn, thảm khốc trong Thám tử Eiji được so sánh ngang ngửa với Thám tử kindaichi, dễ khiến nhiều người đọc bị ám ảnh. Vì vậy truyện được khuyến cáo chỉ dành cho đối tượng 16+.
4. Thám tử Q.E.D (Thám tử Toma)
Q.E.D là một manga trinh thám rất nổi tiếng của tác giả Katou Motohiro, đăng tải trên tạp chí dài kỳ của NXB Kodansha vào năm 1998. Truyện đạt giải thưởng Kodansha Manga thường niên dành hạng mục Shounen năm 2009 và được chuyển thể thành phim.
Truyện kể về Touma Sou, một nam sinh trung học thiên tài, có khả năng tư duy phá án giỏi với chỉ số IQ là 180 (trong khi những người thông minh bình thường có IQ đạt 130). Trong cuộc gặp gỡ định mệnh với Mizuhara Kana, cô bạn cùng lớp mạnh mẽ, nghĩa khí, luôn hứng thú với những vụ án bí ẩn, hóc búa.
Vì một số hiểu lầm, cậu đã bị cô “túm cổ” và lôi kéo vào nhiều phi vụ rắc rối. Kết quả họ trở thành một cặp bài trùng có một không hai, cùng nhau phá hàng loạt các vụ án lớn và lập nên nhiều chiến công lớn.
Q.E.D là một manga đấu trí đỉnh cao, hội tụ nhiều yếu tố hấp dẫn, kịch tính ở từng vụ án và lôi cuốn người đọc theo cách riêng của mình. Truyện tập hợp nhiều vụ án hóc búa thiên về trí tuệ, kết hợp với các công thức toán học, ký tự cổ vô cùng phức tạp và uyên thâm.
5. Học viện thám tử Q (Detective Academy Q)
Học viện thám tử Q được viết bởi Seimaru Amagi và minh họa bởi Fumiya Sato, đăng trên Weekly Shounen từ năm 2001 và năm 2005.
Học viện thám tử Q xoay quanh Kyu với ước mơ lớn nhất là được trở thành một thám tử. Cậu đã đăng ký thi tuyển vào học viện thám tử uy tín và nổi tiếng nhất ở Nhật Bản, được thành lập bởi thám tử huyền thoại Dan Morihiko. Tại đây, cậu đã gặp và làm quen với Megumi, Kinta, Kazuma và Ryu. Họ trở thành đồng đội của nhau đồng thời cũng là đối thủ trong học viện. Đặc biệt, thân thế của Ryuu rất phức tạp, bởi cậu có liên quan tới Pluto, một tổ chức đứng sau hầu hết các vụ phạm tội lớn.
Học viện thám tử Q không chỉ tập hợp những vụ án giết người hàng loạt tinh vi, phức tạp, cách tạo dựng hoàn cảnh, hiện trường cực kỳ logic và hấp dẫn, mà còn đặc tả tâm lý nhân vật vô cùng sắc sảo, nhất là khi bị đặt vào tình huống nguy hiểm. Với những ai yêu thích thể loại trinh thám, Học viện thám tử Q nhất định không thể bỏ qua.
Tuy nhiên, truyện cũng mang nhiều yếu tố rùng rợn, thậm chí nhiều hình ảnh khá quá dã man, vì vậy, đây cũng là bộ truyện khá nhạy cảm và từng bị nhiều phụ huynh lên tiếng phản đối.
6. Monster
Truyện tranh Monster là một seinen manga do Naoki Urasawa sáng tác. Truyện được đăng trên tạp chí Big Comic Original của NXB Shogakukan từ năm 1994 đến 2001. Bộ truyện từng đoạt giải xuất sắc vào năm 1991 ở Hội chợ Nghệ thuật Nhật Bản và giải thưởng Truyện tranh hay nhất của NXB Shogakukan năm 2001.
Truyện xoay quanh những sự kiện xảy ra với bác sỹ Kenzo Tenma, 1 bác sỹ trẻ có tài và có tâm. Chứng kiến quá nhiều sự bất công của các bệnh nhân nghèo khó so với các bệnh nhân có tiền, ngày nọ Tenma quyết định chống lệnh cấp trên, làm theo lương tâm mình để cứu sống một bé trai mồ côi. Không ngờ đây chính là một con quái vật mất tính người, mà mười năm sau hắn gây ra nhiều điều khủng khiếp mang tên Johan Liebert.
Một vụ giết người xảy ra ngay trước mặt Tenma và anh nhận ra bệnh nhân ngày xưa của anh chính là thủ phạm. Tuy nhiên, không ai tìm ra dấu vết của tên giết người mang tên Johan Liebert ấy. Vì vậy, chính Tenma lại trở thành nghi phạm. Quẫn trí và thất vọng, Tenma bắt đầu theo dõi Johan, quyết săn tìm quái vật như một cách chuộc tội cho sai lầm chết người của mình trong quá khứ. Từ đây, một cuộc đấu trí cân não xảy ra, đặc biệt người ta nhiều lần choáng váng trước trí thông minh không tin nổi của tên tội phạm Johan Liebert.
Khác với nhiều manga trinh thám nổi tiếng khác, truyện tranh Monster không chỉ đơn thuần là hành trình phá án với những chi tiết, lý luận logic, mà còn tích hợp nhiều yếu tố kinh dị, tâm linh. Vì vậy, Monster dễ gây ám ảnh, hoang mang, khiến người ta thấy sợ, nhưng đôi khi nỗi sợ không phải từ những thứ hữu hình như thủ phạm hay cách gây án, mà là cảm giác rợn rợn không rõ lý, khiến thần kinh người đọc luôn bị “căng như dây đàn”.
Trinh Trần