Trang chủ » Game thủ » TOP 6 “mặt trái” từ các streamer đang làm hư thế hệ game thủ Việt

TOP 6 “mặt trái” từ các streamer đang làm hư thế hệ game thủ Việt

Team XemGame | 26/03/2019 14:28

Hãy
ủng hộ bọn mình để xem nhiều clip game mới hơn nhé!

Ngành công nghiệp stream vẫn đang trên đà phát triển, và bất cứ thứ gì phát triển đều có hai mặt của nó.

Các streamer nổi tiếng hiện nay không khác gì những minh tinh màn bạc, họ có tiền tài lẫn danh vọng và cả một lượng fan hùng hậu. Chỉ đơn giản là ngồi đằng sau màn hình máy tính và tương tác với hàng nghìn, hàng triệu người theo dõi khác, khiến không ít các game thủ mơ hão sẽ đổi đời nhờ chuyển sang làm streamer.

https://www.youtube.com/watch?v=NzbXiHr1a6U

Tuy nhiên, sự phát triển quá nhanh của các Streamer cũng kéo theo những mặt trái, những nỗi niềm mà người làm stream phải giấu nhẹm đi trước camera. Nó ảnh hưởng không nhỏ tới suy nghĩ của rất nhiều bạn trẻ với vốn kinh nghiệm sống chưa nhiều, hay thậm chí còn chưa ra khỏi ghế nhà trường. Hôm nay mời các bạn cùng Xemgame.com bọn mình đến với TOP 6 mặt trái từ Streamer đang ảnh hưởng không nhỏ tới game thủ.

1. Quan niệm sai lầm “Streamer kiếm được nhiều tiền lắm”

Việc những streamer mua được căn hộ, xế hộp tiền tỉ đã âm thầm cài cắm vào trong suy nghĩ của các bạn trẻ một quan niệm sai lầm “chỉ cần chơi game là một tháng cũng kiếm được vài chục triệu”. Đối với những bạn trẻ chưa định hướng được cuộc đời, chưa biết thế nào là ra đời kiếm tiền, các bạn vẫn cứ tin vào những buổi stream game đơn thuần sẽ kiếm về cho mình một số tiền lớn thông qua kênh trực tuyến và donate từ người hâm mộ.

https://www.youtube.com/watch?v=oz-EWjCoNEE

Tệ hơn, một số khán giả còn có quyết định nghỉ học để làm streamer dù trình độ chơi game không có, khả năng nói chuyện nhạt miễn bàn và kiến thức xã hội vẫn đang ở con số không. Và một khi cảm thấy công việc stream không được như ý muốn, nhiều bạn sẵn sàng giở những chiêu trò stream “bẩn” để lôi kéo lượng tương tác, dẫn đến những hệ lụy ảnh hưởng trực tiếp đến nhận thức và tương lai sau này.

2. Bỏ học để làm Streamer

Mình không nói rằng các Streamer đã xúi giục nhiều bạn bỏ học. Chính sự thành công không nhỏ của một số Streamer đã khiến cho nhiều bạn trẻ nghĩ rằng Streamer kiếm tiền rất dễ. Đa số những người xem stream nhiều đều thuộc độ tuổi học sinh hoặc sinh viên, những người thậm chí còn đang mù mờ về tương lai sự nghiệp của mình.

Khi đó, cụm từ Stream nổi lên với hàng loạt những thành công rạng rỡ đã khiến những bạn trẻ đó mờ mắt. Họ sẵn sàng đánh đổi toàn bộ tương lai của mình để ngồi thu mình trong một góc phòng, với hi vọng mình sẽ được như những Streamer triệu view.

Tỉnh lại nào các bạn!!! Có thể sẽ có người bỏ học thành công nhưng hãy nhớ rằng con số đó chỉ rơi vào khoảng vài phần trăm mà thôi. Và đó là những người kiên cường, có đam mê, có nhiệt huyết, họ sẵn sàng đổ máu đấu tranh với cuộc sống này vì đam mê. Quan trọng nhất là họ nhìn ra được rõ ràng mình phải làm gì. Không phải bất cứ ai đi Stream cũng sẽ thành PewPew, ViruSs, MisThy, Độ Mixi hay Xemesis… Bạn phải thực sự có tài năng, có ý tưởng bắt nhịp đúng với thị trường và thị hiếu của người xem. Chưa kể bạn phải có người cố vấn, huấn luyện chuyên nghiệp về những kỹ năng khi stream.

3. Thường xuyên nói về những chủ đề “người lớn”

Đa số streamer đều là người trưởng thành nên việc đề cập đến những nội dung “người lớn” đối với họ là chuyện hết sức bình thường. Tuy nhiên với việc đa số người hâm mộ vẫn đang trong độ tuổi vị thành niên, cộng thêm sự thiếu hiểu biết về giới tính khi nền giáo dục giới tính tại nước ta vẫn đang còn hạn chế thì việc các khán giả nhỏ tuổi có những suy nghĩ lệch lạc và hành vi không chuẩn mực khi hiểu sai, hiểu lệch về những thứ nhạy cảm được chia sẻ trên stream là một điều đáng quan ngại.

Ở độ tuổi đầy biến động 14 – 18, việc không phân biệt được đúng sai hay không biết giới hạn của những vấn đề liên quan đến tình yêu, tình dục sẽ gây ra những tác hại khó lường. Không có ai bên cạnh hướng dẫn và tâm sự, việc các khán giả nhỏ tuổi liên tưởng, tò mò và rồi tự thực hiện những hành vi “người lớn” dẫn đến những cái kết đáng buồn cho chính bản thân và gia đình.

Câu nói “Vấn đề này các cháu chưa 18 tuổi thì tắt stream xong đi ngủ đi nhé” là một câu nói cực kỳ vô dụng mà các streamer vẫn hay sử dụng. Càng cấm càng tò mò, và khi tò mò mà không nhận thức được hậu quả thì chỉ đem lại những tang thương và đau khổ.

4. Dễ vô tình gây kích động giữa các luồng fan hâm mộ

Việc hâm mộ quá khích và cho rằng thần tượng của mình luôn đúng là chuyện thường thấy ở người hâm mộ, nhất là đối với những khán giả nhỏ tuổi. Vì thế, chỉ cần một xích mích nhỏ giữa hai streamer, hoặc rộ lên một scandal hay nghi vấn lùm xùm tình ái, người hâm mộ cũng có thể gây “war” với nhau và kéo sang công kích streamer/idol còn lại.

Trái với nghệ sĩ showbiz, thế giới streamer không quá khắt khe về việc tôn trọng tiền bối, nhường nhịn hậu bối cũng như phải tạo những mối quan hệ đẹp đẽ giả dối, vì vậy việc streamer đứng ra giảng hòa người hâm mộ cũng ít khi có. Thế nên nếu thực sự họ ghét nhau, chiến tranh giữa người hâm mộ là việc không sớm cũng muộn.

5. Những chiêu trò lăng xê lố bịch

Để thành công, các Streamer phải có kế hoạch PR, lăng xê bản thân để nhiều người biết tới mình hơn. Tuy nhiên, bên cạnh những người sử dụng tài ăn nói, sự hài hước, óc sáng tạo hay khả năng chơi game đỉnh cao để thu hút sự chú ý, cũng có một bộ phận giới Streamer thích nổi tiếng bằng cách gây tai tiếng.

Tự tạo phốt, tự tạo drama, lôi kéo và dắt mũi người xem tới với hàng loạt câu chuyện nóng hổi, gay cấn. Để rồi lên tiếng như thể mình là nạn nhân bị hãm hại. Mục đích của những con người này là càng nổi càng tốt, không cần biết đúng sai. Để rồi đến khi bị phát giác thì làm một vài clip xin lỗi, đánh phấn nhợt nhạt, mắt nhỏ thêm nước để lấy lòng thương từ khán giả.

Những cách thức PR bẩn này diễn ra thường xuyên sẽ khiến cho game thủ nghĩ rằng giới Streamer cũng chỉ toàn những kẻ như vậy. Nhưng thực chất đó chỉ là những con sâu làm rầu nồi canh, những kẻ không có chút tài hoa gì những vẫn muốn được nổi tiếng. Những kẻ đó vô tình khiến cho suy nghĩ của cộng đồng về ngành nghề Stream không mấy tốt đẹp.

6. Thường xuyên thức khuya

Đối với streamer nói riêng  và cộng đồng game thủ nói chung, đêm khuya là “khung giờ vàng” để cùng nhau tụ tập xem stream và chia sẻ những điều trong cuộc sống. Thế nhưng, với số người xem đa phần là học sinh, vô hình chung việc stream trễ đã ảnh hưởng trực tiếp đến thời gian biểu của người hâm mộ. Thức xem stream đến 2, 3 giờ sáng không những khiến game thủ thiếu ngủ, mệt mỏi vào sáng hôm sau, gây ảnh hưởng đến việc học tập mà lâu dài còn ảnh hưởng đến sức khỏe, làm giảm trí nhớ, sức tập trung và các hệ lụy khác.

Ngành công nghiệp stream vẫn đang trên đà phát triển, và bất cứ thứ gì phát triển đều có hai mặt của nó. Bài viết không chủ đích công kích đến cá nhân, tập thể nào, chỉ muốn nhắn gửi đến những người hâm mộ lời khuyên về sự chọn lọc khi tiếp thu thông tin trên các kênh stream trực tuyến, cũng như tự biết cách điều phối thời gian theo dõi để không ảnh hưởng đến cuộc sống, công việc thường nhật.

*Hình ảnh trong bài mang tính chất minh họa

GAME HOT TRONG TUẦN
GAME HOT TRONG THÁNG

Clip hot trong ngày