Như chúng ta đã biết, mỗi huấn luyện viên đều có một phương pháp khác nhau để đưa tập thể mà mình đang dẫn dắt đạt được kết quả tốt nhất.
Năm 1957, Picasso đã vẽ ra 58 bảng biến thể khác nhau của các bức chân dung cổ điển mang tên Las Meninas, bảng gốc được vẽ bởi Diego Velazquez từ 300 năm trước. Các bức tranh của Picasso so với bản gốc của Velazquez không khác biệt nhiều lắm, ông chỉ thay đổi một vài yếu tố nhất định, thêm vào một vài kí tự và phong cách thẩm mĩ của mình vào bức tranh, nhưng vẫn giữ nguyên các thành phần ban đầu của bản gốc.
Mỗi bảng copy của Picasso lại biến thành một phiên bản mới của bức kiệt tác mà Velazquez để lại, vài bức nhìn không khác gì bản gốc ban đầu, nhưng vài bức khác lại trông như một tác phẩm hoàn toàn khác biệt. Một vài bức được đơn giản hóa hơn nhiều so với ban đầu, thay đổi những hình dạng cơ bản và màu sắc, trong khi một vài bức khác lại trở nên phức tạp hơn rất nhiều khi ông sử dụng những đường nét và form vô cùng rắc rối để miêu tả Las Meninas.
Lấy nguồn cảm hứng từ những người đi trước, áp dụng kinh nghiệm, hiểu biết của riêng bản thân và sửa đổi chúng để tạo ra một thứ hoàn toàn mới. Liệu đây có phải là nghệ thuật?
Trong một số trường hợp, ta sẽ thu được một kết quả khác biệt hoàn toàn so với nguồn cảm hứng ban đầu, ngược lại, một số khác lại gần như hoàn toàn giống với bản gốc. Trong bóng đá cũng vậy, phong cách huấn luyện của một huấn luyện viên thường được họ lấy cảm hứng từ những vị chiến lược gia đi trước, sau đó được biến đổi qua tính cách trong con người họ và cho ra một sản phẩm (huấn luyện viên) hoàn toàn mới.
Như chúng ta đã biết, mỗi huấn luyện viên đều có một phương pháp khác nhau để đưa tập thể mà mình đang dẫn dắt đạt được kết quả tốt nhất. Nhưng trước khi vào sâu hơn nữa, chúng ta phải làm rõ một số lưu ý cơ bản. Với sự xuất hiện của rất nhiều huấn luyện viên nước ngoài ở Premier League, nhiều chuyên gia phân tích bóng đá cũng như fan hâm mộ đã so sánh và đối chiếu phong cách, phương pháp, cách tiếp cận trận đấu, tính cách và kết quả của họ. Vấn đề ở đây là trong khi một số người đang thảo luận về phương pháp, thì những người khác lại thảo luận về phong cách, và khi một số đang nói về đội hình chiến thuật, thì một số khác lại nói về nhân sự trong đội hình.
Trong cuốn sách “Bí mật của Pep” được viết bởi Marti Perarnau, ông có những cách nhìn nhận khá đặc biệt về mùa giải đầu tiên của Pep Guardiola ở Bayern Munich, Perarnau liên tục đề cập đến tầm quan trọng của việc Pep đã làm thế nào để chỉ dạy các cầu thủ bằng thứ ngôn ngữ riêng của mình, giúp họ có thể hiểu một cách toàn diện nhất về những yêu cầu mà ông đưa ra. Pep Guardiola không sử dụng tiếng Tây Ban Nha hoặc tiếng Catalan, mà tự tạo ra một thứ “ngôn ngữ bóng đá” để giao tiếp với các cầu thủ. Ông biết rằng, để có thể truyền đạt thông điệp mình muốn đưa ra, các cầu thủ phải hiểu được từ vựng bóng đá của ông.
Vì lý do này, để thảo luận về bóng đá, chúng ta phải tuân theo những thuật ngữ của nó. Trên thực tế, khi nói về các huấn luyện viên, chúng ta thường nhầm lẫn giữa hai khái niệm phong cách huấn luyện và Model game của ông ấy. Hai khái niệm này hoàn toàn khác biệt với nhau, tuy nhiên, qua nhiều cuộc thảo luận chiến thuật trên các phương tiện truyền thông, hay mạng xã hội như các blog và tài khoản Twitter, ranh giới giữa chúng đã bị phai mờ đi rất nhiều. Định nghĩa một cách chính xác nhất về hai khái niệm trên, có thể nêu ra cơ bản như sau:
A coach’s style (Tạm dịch: Phong cách huấn luyện của một huấn luyện viên): Khi chúng ta nói về a coach’s game style, có nghĩa là chúng ta đang nói đến kiểu mẫu trận đấu mà các huấn luyện viên đang mong muốn đạt được. Ví dụ như chỉ đạo tấn công trực tiếp, ưu tiên kiểm soát bóng, phối hợp nhỏ, thi triển high pressure hoặc low pressure, v.v. Phong cách huấn luyện là thương hiệu riêng của một huấn luyện viên, cái mà họ luôn phấn đấu để đạt đến và là DNA trong đội bóng của họ.
A coach’s game model (Tạm dịch: Khuôn mẫu bóng đá của một huấn luyện viên): A coach’s game model nói về cách mà các huấn luyện viên sử dụng để thích nghi với môi trường bóng đá mà họ đang huấn luyện cũng như nguồn lực mà họ đang có trong tay. Huấn luyện viên người Bồ Đào Nha, Jorge Castelo, định nghĩa nó như sau: Định nghĩa về game model là hướng đến từng cá nhân mỗi cầu thủ trong một đội bóng, nó nói về cách là thế nào để khai thác triệt để khả năng của họ, sau đó kết hợp chúng lại với nhau thành một khối thống nhất, giúp tất cả các cá nhân đó phản ứng như một tập thể khi phải ứng phó với các tình huống trong một trận đấu.
Trong một buổi phỏng vấn gần đây với Sky Sport, Pep Guardiola đã cùng với Thierry Henry ngồi xuống thảo luận về khoảng thời gian ông đến Anh làm việc cho đến nay. Henry đã hỏi vị chiến lược gia đến từ Catalan rằng, ông cảm thấy thế nào khi nhiều nhà phân tích bóng đá từng phê bình ông đã quá ngoan cố không chịu thay đổi phong cách huấn luyện của mình để thích nghi với Premier League. Câu trả lời mà ông đưa ra – đồng thời cũng đã nói lên sự khác biệt giữa A coach’s style và A coach’s game model: “Tất nhiên, tôi sẽ thay đổi nhiều chi tiết để thích ứng với nền bóng đá này càng nhanh càng tốt. Đầu tiên là cách làm việc với các cầu thủ, bởi vì một huấn luyện viên luôn phải biết cách khai thác hết khả năng của các cầu thủ mà anh ta đang chỉ đạo để phù hợp với chiến thuật của mình. Muốn tồn tại được ở Anh, tôi phải học cách thích nghi. Nhưng tôi sẽ không thay đổi những nguyên tắc của mình.” Ông nói tiếp: “Triết lý bóng đá của tôi, những ý tưởng của tôi, … tôi tin vào chúng.”
Pep Guardiola thừa nhận, có nhiều khía cạnh mà ông cần phải thích nghi – Game model –nhưng ông sẽ không bao giờ thay đổi phong cách huấn luyện của mình. Đó là niềm tin của ông, con đường mà ông tin tưởng, là sản phẩm mà ông đúc kết từ những kinh nghiệm có được trong xuyên suốt sự nghiệp bóng đá, nhân cách của ông và tất cả những hiểu biết của ông về môn thể thao này. Ông nói: “Phong cách huấn luyện của tôi chính là lý do khiến họ (Manchester City) muốn mang tôi về đây.”
Bất kì một huấn luyện viên nào trên thế giới cũng có cho mình một phong cách riêng. Cho dù đó là một ông bố đang phải dạy dỗ những đứa con, một ông thầy dạy thể dục đến tử một trường đại học ở New Jersey, một huấn luyện viên đang làm việc ở giải hạng ba Tây Ban Nha, Jose Mourinho hay Antonio Conte. Tất cả bọn họ đều có riêng cho mình một câu chuyện để kể, và bóng đá chính là công cụ để họ có thể truyền đạt câu chuyện đó.
Một huấn luyện viên thường sử dụng những kinh nghiệm mà tự mình học hỏi được, hay học hỏi được từ những người khác trong quá khứ để tạo ra phương pháp huấn luyện mà họ cho là tốt nhất ở hiện tại. Các cầu thủ cũng vậy, họ thường học hỏi kinh nghiệm từ người đi trước để có thể hoàn thiện mình, bất kể đó là những huấn luyện viên, đồng đội hay đối thủ. Nếu ví sự nghiệp bóng đá của một huấn luyện viên hay một cầu thủ là một bức tranh, thì những kinh nghiệm và bài học tích lũy được từ quá khứ sẽ vừa là màu sắc, vừa là giá đỡ cho bức tranh ấy.
Ansene Wenger là một ví dụ, một người có lối chơi ưu tiên quyền kiểm soát bóng và luôn ủng hộ thứ “bóng đá quyến rũ” kể từ khi vừa mới bắt đầu sự nghiệp huấn luyện vào năm 1980. Mặc dù chưa bao giờ làm việc với Rinus Michels, người đã tạo ra triết lý Total Football nổi tiếng trong lịch sử, nhưng Wenger lại là một fan lớn của Ajax duới thời Michels, vì vậy mà ông đã học hỏi theo một phong cách huấn luyện gần y hệt Michels.
Wenger được biết đến với biệt danh Le Professeur (Giáo sư), nổi tiếng với cách chỉ dạy các học trò của mình. Ông liên tục khuyến khích các cầu thủ chơi bóng sáng tạo thông qua phương pháp đào tạo nhấn mạnh vào việc tôi luyện khả năng ra quyết định của họ.
Những gì mà Jose Mourinho đã đạt được khi chỉ vừa mới bước chân vào thế giới huấn luyện viên có thể khiến cho tất cả các huấn luyện viên trẻ trên thế giới sẽ phải ghen tị. Jose Mourinho đã học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm khi được làm việc với Sir Bobby Robson với tư cách là một người phiên dịch. Mourinho chưa bao giờ chơi bóng đá chuyên nghiệp, một điều có thể được xem là điểm yếu của bất cứ huấn luyện viên nào trên thế giới. Tuy nhiên ông đã được ghi tên vào lịch sử bóng đá thế giới với tư cách là một trong những vị chiến lược gia xuất sắc nhất, những gì ông để lại ở những nơi mà mình đã đặc chân đến chính là minh chứng rõ ràng nhất về tài năng của ông.
Tinh thần luôn muốn giành được chiến thắng bằng bất kì giá nào của Mourinho được bắt nguồn từ chính Sir Bobby, người luôn tin rằng với một huấn luyện viên thì kết quả mà anh ta đạt được cuối cùng chính là điều quan trọng nhất. Ông đã nói rằng: “Tất cả mọi người đều muốn có được sự thành công. Và cũng giống như coffee, họ muốn có được nó càng nhanh càng tốt.”, Mourinho chắc chắn đã học hỏi tinh thần này từ ông, điều đó được thể hiện qua lối chơi mà “Special one” luôn ưa chuộng, phòng ngự phản công và chiến thuật “định hướng kết quả”.
Một ví dụ khác, huấn luyện viên huyền thoại người Hà Lan Johan Cruyff đã có những tác động rất lớn đến Pep Guardiola khi chàng trai này vẫn còn là một cầu thủ. Trong cuốn tự truyện của mình, ông nhận xét Pep giống như một cậu sinh viên hiếu học, luôn háo hức đặt ra hàng trăm câu hỏi về bóng đá với người thầy của mình. Cruyff kể lại, hai thầy trò thường dành vài tiếng đồng hồ để ngồi với nhau và thảo luận về những buổi luyện tập hoặc những trận đấu.
Trong cuốn sách của Cruyff, ông kể rằng sự ám ảnh của Pep đối với bóng đá được bắt nguồn chính từ tinh thần luôn muốn các CĐV được đến sân và xem một thứ bóng đá có tính giải trí cao nhất. Johan Cruyff và Pep Guardiola tin rằng, bóng đá là một ngành kinh doanh giải trí và các CĐV đã phải bỏ tiền ra để vào sân xem các trận đấu phải được ra về trong sự hài lòng. Ông hiểu rằng, kết quả của trận đấu chính là cách tốt nhất để làm hài lòng người hâm mộ, nhưng với ông như thế vẫn chưa đủ, Pep còn muốn mọi người bị mê hoặc và quyến rũ bởi lối chơi của ông, và công việc của một huấn luyện viên chính là tạo ra sự mê hoặc và quyến rũ đó. Ông đã làm hài lòng tất cả các fan hâm mộ khi dẫn dắt cho Barcelona, Munich và đang cố gắng tiếp tục điều đó ở Manchester. Tuy nhiên, với một số người, niềm vui vẫn là chưa đủ.
Pep Guardiola đã phải nhận rất nhiều sự chỉ trích khi vừa mới bắt đầu sự nghiệp cầm quân vào năm 2008. Ông khởi đầu khá tệ với 1 trận thua trước Numancia và 1 trận hòa trước Racing Santander. Mặc dù tất cả các fan hâm mộ đều biết Pep đã cố gắng như thế nào, nhưng trong một cuộc thăm dò trực tuyến vào thời điểm đó, 86% các Cules đều muốn sa thải Pep để mang về Jose Mourinho. Họ chỉ đơn giản là không có niềm tin vào triết lý của Guardiola.
Tất nhiên, Pep Guardiola sau đó đã giành lấy mọi danh hiệu cao quý nhất ở cấp CLB cùng FC Barcelona và khiến tất cả những ai chỉ trích ông trước kia phải câm lặng. Nhưng ở Đức, mọi thứ trở nên khắc nghiệt hơn rất nhiều. Ông bị chỉ trích rất nặng nề vì đã không chịu thay đổi để áp dụng triết lí bóng đá của Đức: Lối chơi Counter-attack, tấn công trực diện và không chiến. Theo các nhà phê bình nhận xét, Bayern Munich của Pep Guardiola chơi bóng quá nhàm chán và chậm chạp, họ cho rằng lối chơi ưu tiên quyền kiểm soát bóng của huấn luyện viên người Tây Ban Nha hoàn toàn không phù hợp ở Đức. Cuối cùng, ông kết thúc hợp đồng với Munich.
Bây giờ ở Anh, Pep thậm chí còn bị la ó dữ dội hơn nữa. Manchester City bắt đầu mùa giải một cách kì diệu với chuỗi 10 trận thắng, nhưng chỉ cần 1 trận thua cũng có thể làm ông thất bại trong việc thuyết phục các nhà phê bình ở Premier League. Họ ngay lập tức chỉ ra sự thiếu thích nghi của vị chiến lược gia đến từ Catalan với nước Anh. Họ cho rằng sự sụp đổ hiện tại của Pep ở Man City chính là kết quả của sự khắc nghiệt ở Premier League.
Những lời chỉ trích hướng tới Pep thường là nói về việc ông đã xao lãng nguyên tắc phòng ngự ở Anh, sử dụng quá nhiều đội hình chiến thuật và “không hiểu cái quái gì về các trận đấu kiểu Anh”. Danh sách này có thể kéo dài hơn nữa. Tuy nhiên, yếu tố lớn nhất ở đây chính là : Sự kiêu ngạo của ông.
Cánh chuyên gia phân tích bóng đá và các nhà báo liên tục cáo buộc Pep đã quá bướng bỉnh và kiêu ngạo vì không chịu chơi bóng theo kiểu Anh. Ông chọn hướng đến một lối chơi hấp dẫn, nhưng lại kém hiệu quả. Ông chọn cách tấn công chậm rãi , từ từ chứ không phải là tấn công trực diên. Ông thể hiện việc mình thích những thủ môn giỏi dùng chân hơn là dùng tay khi quyết định loại bỏ Joe Hart để mang về Claudio Bravo. Ông nhắm đến việc tiếp cận trận đấu một cách triết học chứ không phải là rình rập để trừng phạt sai lầm của đối thủ. Và Pep đã vấp phải vô số sự phản đối. Người ta tin rằng những phương pháp của ông sẽ không bao giờ tạo ra kết quả vào một đêm mưa lạnh ở Stoke.
Với họ, việc Pep Guardiola không chịu thay đổi đồng nghĩa với sự ngạo mạn. Mặc dù phải nhận liên tiếp những thất bại, nhưng Pep vẫn quyết không chịu thay đổi triết lý của mình. Họ gọi đó là sự kiêu ngạo, nhưng tại sao?
Duy trì phong cách huấn luyện của bạn dù phải đối mặt với thất bại không phải là sự kiêu ngạo, nó là một điều rất đáng ngưỡng mộ. Nó thể hiện sự tôn trọng của bạn với vẻ đẹp của trận đấu. Nó là kết quả tạo ra từ sự nhận thức của chúng ta về hai chữ “thành công”. Mỗi trận đấu là một cơ hội để thay đổi Game Model, nhưng phong cách huấn luyện là thứ không thể đụng đến. Phong cách huấn luyện là thứ không thể thay đổi và cũng không nên thay đổi. Nó là DNA, là hiện thân của những kinh nghiệm tích lũy được trong quá khứ, là ưu-nhược điểm, là suy nghĩ và quan điểm của tất cả các huấn luyện viên. Nó là thứ nghệ thuật mà các nhà cầm quân tự tạo ra cho mình, là cách tiếp cận chủ quan của riêng họ. Giống như tính cách trong mỗi con người, nó là thứ bất di bất dịch.
Nói một chút về sự phát triển của chiến thuật trong suốt chiều dài lịch sử bóng đá. Trong những ngày đầu mới xuất hiện, 2-2-6 là sơ đồ chiến thuật được sử dụng rất rộng rãi trong tất cả các trận đấu. Sau đó, các sơ đồ khác như 1-3-3-3, 4-2-4, 3-2-1-4 lần lượt xuất hiện. Ngày nay, các huấn luyện viên sẽ chỉ bị cười nhạo nếu cố tình sử dụng lại những sơ đồ thuộc dạng tiền sử này.
Điều đó nói lên một điều rằng; bóng đá liên tục phát triển và phát triển thông qua sự sáng tạo, óc nghệ thuật và các quy trình nội bộ, nó phải thay đổi liên tục để đáp ứng những đòi hỏi của thời đại. Cũng giống như bất kì hệ thống nào khác, bóng đá liên tục lột xác thông qua quá trình tiến hóa. Tuy nhiên, để sự tiến hóa này có thể diễn ra, chúng ta phải biết tiếp nhận những ý tưởng mới và nhiều triết lý khác nhau. Chỉ khi có sự xuất hiện của nhiều huấn luyện viên sở hữu cho mình những phong cách, triết lý bóng đá đầy hiện đại, một thế giới bóng đá đỉnh cao mới có thể xuất hiện.
Để cảm nhận về bóng đá, hãy giải phóng hoàn toàn những suy nghĩ, định nghĩa về hai khái niệm “Đúng” hoặc “sai”, hãy cố gắng nhận thức một cách sâu sắc nhất về mọi vấn đề. Hãy khen ngợi những quan điểm khác biệt, hãy hoan nghênh những người dám dũng cảm khác biệt để tạo ra những cái mới. Đừng bao giờ tẩy chay một vị huấn luyện viên bởi họ tỏ ra dị biệt so với những người khác – đặc biệt khi họ là kẻ chiến thắng sau cùng. Đừng bao giờ bắt họ phải thay đổi phong cách của mình.
“Điều làm cho con người trở nên phong phú hơn chính là những trận đấu. Thứ làm bạn trưởng thành chính là quá trình mà bạn phải vật lộn, đấu tranh để có thể đạt được mục tiêu, chứ không phải kết quả cuối cùng. Đôi lúc, con đường mà bạn đã đi mới là thứ thật sự đáng giá chứ không phải là đích đến.”
-Câu nói của HLV Juanma Lillo –
“Chiến thắng” là cái đích mà chúng ta tự đặt ra để có thể bước chân vào một cuộc hành trình, và trên con đường tìm kiếm cái đích đó, chúng ta sẽ khám phá ra được những nguồn cảm hứng, những kinh nghiệm và những cái mới – những thứ sẽ góp phần làm cho con người ngày càng hoàn thiện.
Phong cách huấn luyện của một huấn luyện viên cũng vậy, đó là những thứ mà họ chiêm nghiệm được trong cuộc hành trình của mình, vì vậy đừng bao giờ và cũng đừng mơ đến việc có thể bắt họ thay đổi nó.
(Lược dịch từ bài viết của tác giả David Garcia, đăng tải trên Thesefootballtimes.com)