Trong khi Apple đem đến sự áp đặt, Xiaomi lại trao cho người dùng quyền quyết định để vừa bảo vệ môi trường vừa bảo vệ quyền lợi của chính họ.
Sau khi đăng đàn “cà khịa” Apple vì thẳng tay loại bỏ củ sạc trong phụ kiện đi kèm, Xiaomi lại gây bất ngờ khi tuyên bố Xiaomi 11 – dòng smartphone cao cấp ra mắt vào 28/12 – sẽ không có củ sạc trong hộp. Theo CEO Xiaomi Lei Jun, việc loại bỏ củ sạc khỏi hộp Xiaomi 11 là để bảo vệ môi trường, giảm rác thải điện tử bởi hầu hết người dùng đã có sạc, thậm chí nhiều củ sạc nhưng không còn sử dụng hoặc bị hỏng.
Động thái này khiến Xiaomi vấp phải chỉ trích khi trước đó vào tháng 10 lúc iPhone 12 mới ra mắt, hãng điện thoại Trung Quốc đã từng đăng bài chế giễu Apple khi nói rằng chiếc Mi 10T Pro vẫn có củ sạc trong hộp. Hiện bài viết vẫn còn xuất hiện trên Twitter và nhận về nhiều bình luận mang tính “cà khịa” của người dùng iPhone.
Có thể bạn muốn xem: Apple thử nghiệm iPhone màn hình gập, dự kiến ra mắt năm 2022
Nhưng lại một lần nữa, Xiaomi cho thấy hành vi cà khịa của mình không phải là một phút vui mồm để rồi tự vả, mà là một bước đi có tính toán hẳn hoi. Thay vì cưỡng chế loại bỏ hoàn toàn củ sạc, Xiaomi lại cho người dùng lựa chọn sản phẩm có đính kèm củ sạc hoặc không. Điều này có nghĩa là cho dù bên cạnh phiên bản Mi 11 với hộp đựng không có củ sạc, người dùng có thể lựa chọn phiên bản Mi 11 được tặng kèm củ sạc 55W mà không mất thêm chi phí nào.
Xét trên phương diện bảo vệ môi trường, quyết định loại bỏ củ sạc là một quyết định đúng đắn, nhưng thay vì bắt buộc người dùng phải mua củ sạc ở ngoài nếu họ không có như Apple, Xiaomi lại trao quyền đó cho người dùng để không làm ảnh hưởng đến trải nghiệm của họ.
Trên thực tế, hầu như người dùng iPhone 12 sẽ buộc phải mua thêm củ sạc USB-C tương thích từ Apple hoặc các nhà sản xuất bên thứ ba khác và vứt bỏ bộ cáp sạc cũ bởi dây sạc tặng kèm trong hộp lại là loại USB-C to Lightning, nghĩa là chúng không hề tương thích với các củ sạc cũ trước đây của Apple.
Do vậy, nếu muốn tận dụng được trải nghiệm sạc nhanh trên iPhone 12, người dùng sẽ buộc phải mua thêm củ sạc USB-C tương thích từ Apple hoặc các nhà sản xuất bên thứ ba khác và vứt bỏ bộ cáp sạc cũ. Cuối cùng điều này sẽ lại làm gia tăng ô nhiễm môi trường đến từ các bộ cáp sạc cũ không dùng đến hoặc các vỏ bao bì đựng củ sạc được mua riêng lẻ.